Chìa khoá để thu hút nhân tài từ nước ngoài về nước không phải là trả lương cao, mà là tạo ra một môi trường học thuật thân thiện, tự do và dân chủ |
Có lẽ trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ số du học sinh đông đảo như hiện nay. Từ con số dao động trong khoảng vài ngàn người mỗi năm, đến 2013, theo số liệu của Bộ GDĐT, có 125.000 học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập, trong đó gần 90% đi theo diện tự túc. Vẫn theo thống kê này, Mĩ và Australia là hai nơi được ưa chuộng, chiếm gần 40% du học sinh. Nhìn chung, đây là một tín hiệu tích cực cho đất nước đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập. Liên quan đến du học sinh, câu chuyện về hay ở luôn được đặt ra. Tuy không có con số cụ thể, nhưng qua giao tiếp và kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy phần đông du học sinh Việt Nam nếu có cơ hội sẽ chọn ở lại. Để làm rõ nguyên nhân sẽ cần nhiều nghiên cứu và điều tra xã hội mới có câu trả lời toàn diện. Nhưng qua thảo luận với nhiều du học sinh, cả những người về nước công tác lẫn ở lại, tôi nhận ra một số lí do liên quan đến môi trường học thuật, văn hoá quan hệ, và hệ thống hành chính. Từ khoảng cách học tập đến môi trường, văn hóa Một trong những quan ngại lớn nhất là khoảng cách học thuật giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Việt Nam chưa có cơ sở vật chất dồi dào, phương tiện thí nghiệm tiên tiến như tại các nước phát triển có nền khoa học lâu đời. Để xây dựng được cơ sở vật chất như thế cần thời gian khá dài, không thể một sớm chiều. Trong một số ngành khoa học thực nghiệm (ví dụ, sinh học phân tử, công nghệ sinh học…), du học sinh mới tốt nghiệp cần phải trau dồi nghề nghiệp và học thêm kĩ năng khoa học, mà ở VN khó đáp ứng. Do đó, nấn ná ở thêm vài năm ở nước ngoài để tìm cơ hội nghiên cứu hậu tiến sĩ hay học thêm là hoàn toàn có thể hiểu. Môi trường văn hoá khoa học ở Việt Nam cũng là một rào cản. Ở nước ngoài, du học sinh đã quen với văn hoá tôn trọng chứng cứ, dân chủ trong khoa học, và tư duy phê phán. Những đặc tính này có khi không phù hợp với môi trường trong nước, nơi sự cả nể và thứ bậc khoa bảng được xem là chuẩn mực trong ứng xử hàng ngày. Tư duy phê phán và chú ý đến chi tiết của phương Tây khi về đến Việt Nam dễ bị xem là “vạch lá tìm sâu”. Không ngạc nhiên khi một số du học sinh than phiền họ bị loại khỏi các hội đồng khoa học, thậm chí bị cô lập vì có ý kiến phản biện thẳng thắn, hoặc không phù hợp với suy nghĩ của đồng nghiệp trong nước. Với du học sinh cấp tiến sĩ, một trở ngại khác là vấn đề tài trợ cho nghiên cứu. Bất cứ một tiến sĩ đích thực nào cũng đam mê nghiên cứu khoa học, và nghiên cứu thực nghiệm cần phải có tiền. Tại Việt Nam, những câu chuyện tiêu cực về “lại quả”, “kickback”, sự vô lí, bất cập trong việc xét duyệt đề tài và phân bổ ngân sách lưu truyền trong giới khoa học chỉ làm cho các nghiên cứu sinh nước ngoài thêm nản chí. Gần đây, sự ra đời của Quĩ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Nafosted phần nào giúp lấy lại niềm tin vào quản lí khoa học trong giới nghiên cứu sinh. Nhưng ở các tỉnh, thành phố, qui trình xét duyệt đề tài và cấp kinh phí cho nghiên cứu vẫn còn nhiều bất cập, vì một số qui định được đặt ra dựa trên giả định thiếu tin tưởng nhà khoa học và mang tính… “hành là chính”. Một rào cản nữa cho việc trở về cống hiến là sự đố kị, ganh tị của đồng nghiệp trong nước. Không ít người có suy nghĩ nếu du học sinh giỏi thì không về nước; suy ra, người về nước chắc là thuộc loại… học hành dở. Một số khác có cái nhìn hẹp hòi hơn, và muốn gây khó khăn cho “ma mới”, hoặc bản thân năng lực hạn chế nên tìm cách dèm pha, bất hợp tác. Tôi từng biết vài tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng nghiên cứu và thành tích công bố rất tốt, nhưng khi về nước làm việc tại đại học thì bị bố trí không đúng chuyên ngành, thậm chí bị “đày đoạ” làm công việc photocopy! Những trường hợp như thế có lẽ không phải là hiếm. Các du học sinh Việt Nam thường than phiền cái mà tôi tạm gọi là “văn hoá quan hệ”. Ở Việt Nam, dân gian có câu “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ” để chỉ những tiêu chí ngầm trong việc bổ nhiệm nhân sự. Trong một hệ thống như thế, du học sinh không thuộc ba diện đầu, thì cơ hội được đóng góp phải nói là rất thấp, và việc họ lựa chọn ở lại nước ngoài, nơi trọng dụng năng lực, là dễ hiểu. Nói chuyện nhiều với các du học sinh, tôi phát hiện rằng họ rất sợ những thủ tục, qui định hành chính (mà họ gọi đùa là “hành là chính”) và những quy định thiếu minh bạch. Chẳng hạn, một du học sinh học trung học, đại học, sau đại học, khi về nước tìm nơi công tác không được nhận vì hồ sơ không hợp lệ, do thiếu bằng tốt nghiệp trung học ở Việt Nam! Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp do đố kị, người ta tự đặt ra những qui định chỉ để loại bỏ du học sinh. Đối với các du học sinh đã có gia đình, quyết định ở lại có khi chẳng liên quan gì đến học thuật hay khoa học. Họ lo cho tương lai con em, muốn thế hệ sau được học hành trong một môi trường tiến bộ và ít áp lực hơn Việt Nam. Họ đã thấy tình trạng “tị nạn giáo dục” ở Việt Nam, chứng kiến nhiều quan chức, người giàu có đều gửi con em ra nước ngoài học. Đó là một cách “bỏ phiếu” cho nền giáo dục nước nhà. Chìa khóa hút nhân tài Ở Trung Quốc, người ta gọi những du học sinh quay về nước là “hải qui”, dịch sang tiếng Việt là “rùa biển”. Những “hải qui” ở VN cũng phải đối mặt không ít rào cản. Một số về thì không được bố trí công việc thích hợp, hoặc bị cô lập, sống lay lắt. Một số quay về, sau khi bị trù dập và thất nghiệp, đành phải tìm đường rời khỏi Việt Nam, và trở thành nạn nhân bị kiện đòi bồi thường tiền. Vấn đề không hẳn là tại du học sinh, mà do khoảng cách về khoa học và cơ chế tuyển dụng nhân tài của Việt Nam có vấn đề. Thật ra, nhìn vào bức tranh lớn, dù du học sinh ở nước ngoài vài năm hay quay về thì Việt Nam không tổn thất gì. Những người ở ngoài trước sau cũng sẽ quay về giúp Việt Nam trong chuyển giao công nghệ và hợp tác khoa học. Những người đã về, cho dù rời cơ quan vì lí do nào, thì vẫn làm việc trong nước, chứ không hề “thất thoát”. Do đó, theo tôi, việc một số trường kiện du học sinh không quay lại trường công tác sau khi học xong là một tiền lệ không đẹp và lợi bất cập hại. Những rào cản trên cho thấy, nếu Việt Nam thật sự muốn thu hút nhân tài, thì phải cải cách hệ thống học thuật và khoa học, tinh giản hệ thống quản lí và hành chính. Phải giảm quyền lực chính trị của những người có chức năng tuyển dụng nhân sự, và thay vào đó nên giao quyền tuyển dụng cho giới chuyên môn. Chìa khoá để thu hút nhân tài từ nước ngoài về nước không phải là trả lương cao, mà là tạo ra một môi trường học thuật thân thiện, tự do và dân chủ. Trích nguồn Dântrí.com |
- Trang chủ
- /
- Kinh nghiệm du học
- /
- Muốn về lại sơ hậu duệ, quan hệ