Trong những tuần qua, luồng sinh khí “hồi sinh” lan tỏa khi tỉ lệ người dân Úc trên 16 tuổi cán mốc chỉ tiêu tối thiểu 70% số dân nhận đủ chủng ngừa Covid-19. Ở cấp tiểu bang và vùng lãnh thổ, phần lớn các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. Trên bình diện toàn quốc, chính phủ liên bang xem xét đẩy nhanh lộ trình mở cửa biên giới. Tuy nhiên, cùng với sự trở lại của các hoạt động thường nhật, Canberra lại phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân công đáng báo động.
Tình trạng khan hiếm lực lượng lao động, đặc biệt là nhân lực quốc tế gây nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi nền kinh tế nước Úc. RFI phác họa đôi nét bức tranh lao động nhập cư với những thông số, thực trạng, cũng như những chính sách di dân đang được chính phủ Scott Morrison ưu tiên thực hiện.
Bức tranh tổng thể
Hàng năm, Úc – xứ sở của những chú chuột túi ngộ nghĩnh chào đón một số lượng lớn di dân từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dựa vào mục đích nhập cư, chính phủ Úc chia ra các nhóm visa tạm thời chính, bao gồm: du lịch/thăm viếng, lao động kết hợp kỳ nghỉ, du học, lao động có tay nghề, và một số visa đặc thù khác. Theo Ủy ban Kỹ năng Quốc gia Úc, tính đến tháng 03/2020, trung bình hàng năm có 1,6 triệu người có visa tạm thời làm việc toàn bộ hoặc bán phần tại Úc.
Nếu tính riêng, số người Việt Nam có thị thực tạm thời tại Úc là 71.287 người, theo bộ Nội Vụ và từ dữ liệu của Cục Thống Kê năm 1999-2000. Cộng đồng di dân Việt tập trung phần lớn tại các tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland. Họ là nguồn nhân lực đóng góp đáng kể vào sự phát triển nền kinh tế Úc, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, y tá, lập trình phần mềm và ứng dụng, v.v…
Ảnh hưởng bởi đại dịch
Nhìn tổng thể, khi Úc đóng cửa biên giới từ những ngày đầu đại dịch cho đến nay, nhiều người giữ visa tạm thời làm việc trong các ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Sinh viên quốc tế, khách du lịch, sinh viên tốt nghiệp, người lao động được bảo trợ, người tị nạn và những nhóm người khác đang tạm trú trên nước Úc bị mất việc làm và phải vật lộn để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản. Trong khi, họ là nhóm xã hội dường như nằm bên lề các chính sách trợ giúp từ chính phủ Morrison. Thực tế, tình cảnh này được cho ngày càng tệ hơn khi đến nay lệnh phong tỏa vẫn còn thực thi ở một số tiểu bang, vùng lãnh thổ và Úc vẫn chưa mở cửa biên giới.
Trung tuần tháng 8/2021, một bức tranh đáng buồn được khắc họa bằng kết quả khảo sát có quy mô lớn từ Tổ chức Nghiệp đoàn New South Wales. Với 5.000 người tạm trú tham gia vào mẫu khảo sát, có đến 65% số người hỏi đã bị mất việc làm, 39% không có đủ tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản, 43% thường xuyên bỏ bữa và 34% trở thành người vô gia cư, hoặc dự đoán sắp bị đuổi ra khỏi nhà vì không thể trả tiền thuê nhà.
Tiềm năng và sự thiếu hụt
Nhiều nghiên cứu độc lập đã chỉ ra tầm quan trọng của sự đóng góp từ những người có visa làm việc tạm thời. Họ cung ứng 10% nguồn nhân lực cùng kỹ năng ngắn hạn cho thị trường lao động Úc trong các lĩnh vực chính như nông nghiệp, khách sạn, xây dựng và chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, từ tháng 03/2020, Úc đóng cửa biên giới quốc tế vì đại dịch toàn cầu, nhóm nhập cư tạm thời giảm mạnh, trung bình chỉ còn 1,3 triệu người/năm. Ước tính, có thể Úc phải mất ít nhất hai năm để quay trở lại mức nhập cư như trước đại dịch. Từ nhận định của giới phân tích, việc sụt giảm dòng di cư này không chỉ làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động thời vụ, ngắn hạn mà còn tác động lâu dài đến thị trường nhân lực Úc. Đặc biệt là sự thiếu hụt nhóm di dân có tay nghề cao trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đơn cử một ví dụ, dẫn theo kênh truyền thông ABC (15/04/2021), tính riêng trong tháng 03/2021, SEEK (một trong những trang đăng tuyển việc làm lớn nhất tại Úc) đã đăng quảng cáo việc làm với số lượng cao nhất lịch sử trong hơn 23 năm qua. Tuy nhiên, số đơn đăng ký ứng tuyển trên mỗi quảng cáo lại ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tuần qua, một nhóm quan chức cao cấp đã đề xuất, nước Úc cần khoảng 2 triệu người nhập cư trong vòng 5 năm tới để tái thiết nền kinh tế và giải quyết tình trạng thiếu lao động đáng báo động như hiện nay, đặc biệt lao động có tay nghề cao và nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Thách thức và cơ hội
Ông Alex Hawke, bộ trưởng Di Trú Úc khẳng định, di dân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế Úc. Cụ thể, mức độ thành công của quá trình “hồi sinh” phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực nhập cư.
Theo dự kiến, Úc sẽ bắt đầu tiếp nhận di dân tạm trú và thường trú từ giữa năm 2022. Chính phủ Scott Morrison đang từng bước nỗ lực để duy trì danh tiếng của một đất nước vốn là điểm đến ưu tiên được viễn khách lựa chọn.
Ngày 26/07 vừa qua, Úc thông qua Dự luật sửa đổi về di dân, cụ thể là « Bảo vệ người lao động nhập cư, năm 2021 » (Migration Amendment “Protecting Migrant Workers”, Bill 2021) đề xuất các tội hình sự mới và các hình phạt dân sự để bảo vệ tốt hơn nữa người lao động nhập cư khỏi bị bóc lột. Dự luật sửa đổi bắt nguồn từ thực trạng xảy ra trước đại dịch. Nhiều người lao động nhập cư đã phải chịu đựng các điều kiện tồi tệ tại nơi làm việc như bị cắt tiền lương hoặc tiền lương thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo luật ấn định, bị cưỡng bức, bị phân biệt đối xử, bị đe dọa, bị lạm dụng và không ngừng bị đe dọa hủy visa, v.v..
Chính phủ Úc truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, việc trả lương thấp và các hành vi bóc lột khác đối với người lao động nhập cư là không thể chấp nhận và sẽ không được dung thứ. Đó là một trong những nỗ lực mà nội các Canberra đang thực thi nhằm bảo vệ và thu hút nhiều hơn nhóm nhập cư tạm thời tham gia vào thị trường lao động Úc.
Ngay sau tuyên bố sửa đổi luật từ chính quyền đương nhiệm, Uỷ Ban Thượng viện do đảng Lao Động (Đảng đối lập) cũng đã chủ trì kêu gọi chính phủ thay đổi sâu rộng hệ thống nhập cư tạm thời nhằm ngăn chặn nạn bóc lột và giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay.
Trong khi, một báo cáo từ Viện Grattan (tổ chức nghiên cứu độc lập về chính sách công); cũng như báo cáo từ Uỷ ban Quốc hội dưới sự dẫn dắt của đảng Tự Do (Đảng đương quyền) đã lập luận, biên giới quốc tế đóng cửa là cơ hội tốt nhất để chính phủ thay đổi có hệ thống và sâu rộng chương trình di dân. Đặc biệt, những khuyến nghị tập trung vào nhóm nhập cư có tay nghề cao và sinh viên quốc tế.
Chính sách nới lỏng có chọn lọc
Trên tinh thần nới lỏng có chọn lọc, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng, với những quyền ưu tiên được lựa chọn để đem đến cơ hội cho người tạm trú trở thành thường trú nhân Úc là những đề xuất đặc biệt lưu tâm. Nói cách khác, cải tổ chính sách theo hướng mở ra con đường hanh thông cho những người thành thạo tiếng Anh hơn, trẻ tuổi hơn, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn ưu trội hơn, cũng như có triển vọng mang lại lợi ích lâu dài cho sự thịnh vượng của nước Úc.
Ngoài ra, từ thực trạng thiếu nhân lực nông nghiệp, vào cuối tháng 9/2021 vừa qua, chính phủ liên bang Úc loan báo ban hành pháp lý visa nông nghiệp (Australian Agriculture Visa). Theo dự kiến, người lao động có thị thực này có thể đến Úc ngay cuối năm nay, 2021. Trong tình hình đại dịch hiện nay, đây được coi như một trong những sáng kiến ưu tiên để bổ sung kịp thời ít nhất 10.000 lao động hàng năm cho các ngành nông nghiệp Úc và có cơ hội mở ra con đường định cư lâu dài cho người nhập cư. Tham gia hình thức di trú này, chính phủ Úc ưu tiên chào đón nhân lực đến từ các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay chính là chính phủ liên bang và ngay chính quyền các tiểu bang, vùng lãnh thổ đang xem xét đẩy nhanh lộ trình mở cửa biên giới. Có như vậy, Úc mới kịp thời tạo ra sức hút cho nguồn nhân lực quốc tế có tay nghề cao quay trở lại; và thu hút nhiều hơn nữa nguồn lao động di dân để khỏa lấp khoảng trống thiếu hụt; cũng như đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực. Có thể khẳng định, nguồn lao động nhập cư là một điểm nhấn quan trọng quyết định “tốc độ” của lộ trình tái thiết và mức độ thành công của quá trình phục hồi nền kinh tế nước Úc khi mở cửa trở lại.
Theo RFI