Là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, với các trường học có tiếng trên thế giới. Đây là nơi có bộ luật nhập cảnh và bảo vệ sinh viên quốc tế sớm nhất, hoàn chỉnh và dễ hiểu nhất, đồng thời có các hệ thống dịch vụ an sinh và chăm sóc sinh viên quốc tế rất tốt tại các cơ sở trường học từ Anh ngữ đến trung học, cao đẳng và đại học. Úc hiện đang là quốc gia đứng thứ nhì về số lượng visa du học cấp hàng năm cho sinh viên VN. Câu lạc bộ cựu sinh viên Úc tại VN đứng đầu về lượng thành viên trong số khối các nước nói tiếng Anh.
- Tên quốc gia: Commonwealth of Australia
- Thủ đô: Canberra
- Diện tích: 7.617.930 km²
- Dân số: 21.714.000 (2009)
- Tiền tệ: Đô la Úc (AUD)
- Múi giờ: GMT+8 tới +10.5 – Mùa hè GMT+9 tới +11.5
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh (English)
Vị trí địa lý, khí hậu
Tọa lạc trên mảng kiến tạo Ấn-Úc và bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Úc nằm cô lập với châu Á bởi biển Arafura và biển Timor. Úc có 34.218 km đường bờ biển (21.262 dặm) bao gồm cả các đảo ngoài khơi và diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Úc là 8.148.250 km2.
Phần lớn diện tích là hoang mạc hoặc bán hoang mạc thường được biết đến với cái tên vùng hẻo lánh (outback). Úc là lục địa bằng phẳng với đất đai già cỗi và kém màu mỡ nhất và cũng là lục địa có người ở khô cằn nhất.
Vùng Đông Nam và Tây Nam là có khí hậu ôn hòa. Phần đông dân cư của Úc sống tập trung ở bờ biển Đông Nam. Cảnh quan ở vùng Bắc đất nước, với khí hậu nhiệt đới, bao gồm rừng mưa, miền rừng, đồng cỏ, rừng đước và hoang mạc. Khí hậu nhìn chung bị các dòng biển trong đó có El Nino chi phối đáng kể, gây ra những trận hạn hán theo chu kỳ và cả xoáy thuận nhiệt đới tạo bão ở miền Bắc nước Úc.
Các thành phố lớn
Sydney – Phần lớn du khách nước ngoài đến Australia đều đi qua Sydney, thành phố lớn nhất, đông dân nhất Australia và là cửa ngõ chính giao tiếp với thế giới bên ngoài. Sydney được coi là thủ đô ngầm của quốc gia rộng lớn nhưng thưa dân này.
Melbourne – Melbourne là thủ phủ và thành phố lớn nhất bang Victoria, và là thành phố lớn thứ hai ở Úc (sau Sydney), với dân số khoảng 3,6 triệu (2001) bao gồm cả ngoại ô và 69.670 trong Thành phố Melbourne (phần trung tâm nội ô). Khẩu hiệu thành phố là “Vires acquirit eundo” nghĩa là “chúng ta mạnh hơn khi chúng ta đi tới.” Melbourne đã từng là thủ đô của Úc từ 1901 đến 1927.
Canberra – Là thủ đô của Úc, dân số hơn 340.000 người, là thành phố trong vùng sâu trong đất liền lớn nhất Úc. Thành phố tọa lạc tại phía Đông của Lãnh thổ thủ đô Úc, cách Sydney 300 km về phía Đông Bắc và các Melbourne 650 km về phía Tây Nam. Nơi đây được chọn làm thủ đô của Australia như là một thỏa hiệp năm 1908 giữa hai thành phố Sydney và Melbourne (2 thành phố lớn nhất). Đây là một thành phố được xây dựng mới hoàn toàn, là một thành phố có quy hoạch sau một cuộc thi tuyển kiến trúc quốc tế và thiết kế của kiến trúc sư Chicago là Walter Burley Griffin được chọn và việc xây dựng được bắt đầu từ năm 1913. Thiết kế thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của phong trào thành phố vườn và kết hợp với các khu vực cây cối tự nhiên với các công viên, các khu vực cây xanh dày đặc trong thành phố, các cao ốc hoàn toàn không tồn tại, do đó Canberra còn được gọi là “thủ đô bụi rậm”.
Kinh tế
Nhìn chung nước Úc có một nền kinh tế phát triển với thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn Liên Hiệp Anh, Đức và Pháp một chút theo sức mua tương đương. Nước này cũng được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2007 và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống của tạp chí tin tức The Economist năm 2005. Nước Úc còn nắm giữ kỷ lục với 4 thành phố lớn nằm trong danh sách những thành phố dễ sống nhất thế giới là Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9).
Việc chú trọng vào xuất khẩu hàng hóa hơn là sản xuất đã góp phần kích thích thị trường thương mại Úc một cách rõ rệt trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang từ đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên do cán cân thanh toán của Úc nhiều hơn 7% GDP, nước này liên tục có một lượng lớn thâm hụt tài khoản vãng lai trong suốt hơn 50 năm. Trung bình hàng năm tỉ lệ này luôn vào khoảng 3,6% trong vòng hơn 15 năm trong khi mức trung bình của khối OECD chỉ là 2,5%. Những yếu tố góp phần gây nên tình trạng này là nhu cầu hàng tiêu dùng nước ngoài gia tăng, việc tăng giá đồng đô-la Úc so với đô-la Mỹ và việc sụt giảm đáng kể hàng nông nghiệp xuất khẩu.
Văn hóa, ẩm thực, tôn giáo
Từ năm 1788, nền tảng chính của văn hóa Úc là Anglo-Celtic mặc dù các đặc thù riêng của nước này cũng sớm xuất hiện từ môi trường tự nhiên và nền văn hóa của thổ dân. Đến giữa thế kỷ 20, văn hóa Úc chịu ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa đại chúng của Mỹ, chủ yếu là truyền hình và điện ảnh, bởi các quốc gia láng giềng và bởi một tỉ lệ lớn người nhập cư từ các nước không nói tiếng Anh.
Theo lịch sử thì ẩm thực Úc là dựa trên ẩm thực Anh đem đến đất nước này bởi những người định cư đầu tiên. Những thứ này bao gồm các loại bánh, các miếng thịt nướng lớn hay xắt nhỏ, và các loại thịt đi kèm với vài thứ rau (tổ hợp này thường được gọi là “thịt và ba thứ rau”).
Những thức ăn nguyên gốc này đã bị lấn át bởi sự chú trọng ngày càng tăng vào nền văn hóa đa quốc gia xảy ra trong văn hóa Úc trong 40-50 năm qua, với ẩm thực của người Úc bây giờ chịu ảnh hưởng bởi sự đa dạng về thức ăn của người Địa Trung Hải và người châu Á nhập cư. Truyền thống của người Anh vẫn còn tồn tại ở các mức độ khác nhau trong các cửa hàng bán thức ăn làm sẵn (takeaway food), với các miếng cá và khoai tây chiên vẫn còn phổ biến.
Úc không có một tôn giáo chính thức nào. Theo điều tra năm 2006 thì có 64% người Úc là tín đồ Cơ Đốc giáo trong đó 26% Công giáo La Mã và 19% Anh giáo. 19% được cho là “không tôn giáo” trong đó bao gồm những người theo chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy lý và theo thuyết bất khả tri. 12% số người không trả lời hoặc đưa ra được câu trả lời thích đáng về tôn giáo của họ. Khoảng 5% là người không theo đạo Cơ Đốc. Một số cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng Úc là một trong những nước ít mộ đạo nhất trong số các quốc gia phát triển, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong đời sống của phần đông người Úc.
Thể thao, du lịch
Người Úc yêu thích thể thao – cả chơi và xem. Môn thể thao được xem nhiều nhất tại quốc gia này là Bóng Bầu Dục kiểu Úc. Ngoài ra, Úc còn là quốc gia của các tay bơi lội và lướt sóng. Đội cricket của Úc là một đội tuyển mạnh ở cả loạt đấu cricket đối kháng và đơn nhật. Không những thế, tennis, bóng đá, bóng lưới, hockey… tại Úc cũng rất phát triển.
Tuyến đường sắt “Ghan”
Tuyến đường sắt “Ghan” nối liền thành phố Adelaide ở phía Nam với thành phố Darwin ở phía Bắc Australia. Trong hành trình 49 tiếng đồng hồ, du khách được trải nghiệm bốn vùng thời tiết khác nhau.
Công viên Quốc gia Nambung
Nếu có cơ hội được tới Pinnacles, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng quang cảnh sa mạc thực thụ trong Công Viên Quốc Gia Nambung, nơi những ngọn tháp đá bị phong hóa của Pinnacles nhô ra khỏi những đụn cát vàng.
Great Barrier Reef
Rạn san hô Great Barrier là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2. Phần đá ngầm nằm ở khu vực Biển San Hô, cách bờ biển Queensland về hướng đông bắc Úc. Một phần lớn đá ngầm được bảo vệ bởi công viên hải dương rạn san hô Great Barrier.
Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian và có khi được quy cho là đơn thể lớn nhất thế giới. Trong thực tế, nó được hình thành từ hàng triệu sinh vật nhỏ, là những polyp san hô. Rạn san hô Great Barrier cũng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Đài CNN đã gọi nó là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tổ chức Tín Quốc Queensland coi nó là biểu tượng của bang Queensland.