Khi đọc xong bài của Anhchu tôi biết rằng tác giả sẽ bị đấm bóp hội đồng đến bầm dập. Kinh nghiệm cho thấy nếu bạn muốn viết về một điều gì đó ở nước ngoài thì không nên so sánh với Việt Nam, vì người Việt mình vốn có lòng tự ái cao.
Rất nhiều người cho rằng so sánh Việt Nam với các nước phát triển là khập khiễng, kể cả những vấn đề chung nhất như nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ tác giả bài viết chỉ muốn kể lại những trải nghiệm của mình cùng với cảm xúc mãn nguyện với những thành quả đạt được trên đất Mỹ mà có lẽ theo tác giả nếu về Việt Nam sẽ không thể có được. Mọi người không nên chỉ dựa vào câu chuyện này để so sánh ở đâu tốt hơn. Bởi nếu chỉ có vậy thì ở VN có nhiều người trẻ giàu có và thành đạt hơn bạn Anhchu đây. Mà khi so sánh hãy có cái nhìn tổng quát hơn.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mỗi năm có hàng chục nghàn lao động VN tìm đường ra nước ngoài lao động cực nhọc như nô lệ chỉ để cóp nhặt từng đồng dollar gửi về cho gia đình trả nợ tiền vay trước khi đi. Tại sao 40-50 phụ nữ VN lại ngồi xếp hàng cho một người đàn ông ngoại quốc đáng tuổi cha chú mình tuyển chọn như một món hàng, với một tương lai mù mịt. Vậy thì cuộc sống ở VN có tốt chắc cũng không giành cho đa số. Cũng như việc tranh luận nên về hay ở sẽ chẳng có hồi kết. Nhiều Việt kiều cũng bày tỏ tình cảm tha thiết với quê hương những phần lớn cũng chỉ trở về khi đã khá thành công ở Mỹ. Còn người Việt trong nước liệu mấy ai có được lựa chọn ở Mỹ hay về.
Có một điểm tôi không đồng ý với bạn Anhchu đó là bạn cho rằng người Mỹ sống rất tiết kiệm. Theo tôi người Mỹ chỉ không coi trọng hình thức thôi. Quan điểm sống của họ là làm sao để cuộc sống thoải mái, tiện nghi. Ở Mỹ dường như chẳng ai quan tâm bạn ăn mặc ra sao, dùng điện thoại gì, đi xe hơi đắt hay rẻ. Tất cả đều dựa trên sự thoải mái và sở thích cá nhân chứ không phải để người khác nhìn vào. Ông thầy tôi là GS Harvard, vợ là GS MIT lương 400k/năm nhưng chỉ dùng điện thoại motorolla rẻ tiền, mặc quần thủng túi sau, mang giày hở mõm. Ông có xe hơi xịn, giữ 1 chỗ đỗ ở trường $270/tháng nhưng hàng ngày hai vợ chồng vẫn đạp xe đạp đi làm, Tuy vậy ông là ngừơi rất hào phóng, sẵn sàng chi vài ngàn đô mời nhân viên đi nhà hàng. Ông rất mê máy tính quả táo nên mỗi khi quả táo ra máy mới thì ông đổi ngay. Tôi đứng trong một tiệm giặt là của người Việt và thấy thanh niên Mỹ mang đồ đến giặt rất đông. Mỗi lần như vậy cũng mất hơn $20, trong khi nếu tự giặt chỉ mất khoảng $5. Rất nhiều người mang đồ đến giặt sau không đủ tiền để quay lại lấy, nên đành bỏ luôn.
Nước Mỹ có thể không phải là thiên đường cho người lớn (nhập cư) nhưng có thể nói là thiên đường của trẻ thơ. Ở Mỹ mỗi khu dân cư tương đương cụm dân cư của mình đều có một khu vui chơi, thể thao rộng lớn. Mọi người có thể chơi cầu trựơt, đánh đu, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bóng chày miễn phí. Ngoài ra còn có các sân chơi, khu thể thao của các trường phổ thông, đại học trên địa bàn. Tất cả đều mở cho mọi người. Ở Mỹ thanh niên, trẻ em chơi với nhau rất vui vẻ, hoà nhã. Trong cuộc sống trẻ em cũng là người được ưu tiên nhất.
Hè rồi về thăm quê, tôi rất buồn vì cái sân bóng xã mà thời còn chăn trâu tôi vẫn chơi mỗi ngày nay đã được chia lô bán đất xây nhà hết. Trẻ em nông thôn bây giờ muốn giải trí cũng chỉ biết chu du trên mạng.
Lẽ tự nhiên, khó khăn lớn nhất cho người trưởng thành trong nước ra nước ngoài định cư là sự hoà nhập về, ngôn ngữ, văn hoá lối sống. Nếu ai đã và đang định cư ở nước ngoài thì sẽ hiểu rằng khó khăn tưởng đơn giản này lại không dễ vượt qua. Người Mỹ thích làm bạn với người có cùng sở thích, vì vậy họ
hay tham gia những hội, ví dụ như mô tô, câu cá… họ ít quan tâm đến hàng xóm. Đồng nghiệp cũng chỉ quan hệ công việc là chính. Đám cưới con gái của bà giám đốc hành chính nơi tôi làm việc mà bà không mời một đồng nghiệp nào đến dự.
Nói chung Mỹ là đất nước của cơ hội, thử thách và khám phá, nếu ai vượt qua được rào cản văn hoá thì đây chính là thiên đường, còn không chỉ mới đứng trước ngưỡng cửa thiên đường thôi.
Nguồn: vnexpress.net/ANAM