Chị Hoàng Khánh Hòa, một bà mẹ trẻ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Missouri – Columbia, Mỹ, chia sẻ những trải nghiệm về một số mô hình hỗ trợ nuôi dạy và chăm sóc trẻ em trong cộng đồng nơi chị ở.
Chị Hoàng Khánh Hòa, một bà mẹ trẻ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Missouri – Columbia, Mỹ, chia sẻ những trải nghiệm về một số mô hình hỗ trợ nuôi dạy và chăm sóc trẻ em trong cộng đồng nơi chị ở. Có những mô hình tại Mỹ có thể áp dụng tại Việt Nam.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton có một nhận xét rất nổi tiếng khi bà dùng một ngạn ngữ của châu Phi để nói về vấn đề chăm sóc trẻ em: It takes a village to raise a child – việc nuôi dạy một đứa trẻ cần tới cả một cộng đồng, hay nói rộng ra là cả xã hội, chứ không chỉ gói gọn trong một gia đình. Điều này có thể thấy rất rõ trong xã hội Mỹ.
Ở Mỹ, việc chăm sóc nuôi dạy trẻ em không chỉ phụ thuộc vào bản thân bố mẹ mà còn có rất nhiều hoạt động hỗ trợ do các tổ chức của chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân đứng ra quản lý, đáp ứng từ những nhu cầu cấp thiết nhất như tã bỉm hằng ngày cho tới việc chăm sóc giúp đứa trẻ có được sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Trong bài này tôi muốn giới thiệu tới các bạn một số mô hình hỗ trợ nuôi dạy và chăm sóc trẻ em mà tôi đã trải nghiệm khi ở tiểu bang Missouri.
Parents as Teachers (PAT)
Parents As Teachers, viết tắt là PAT, là chương trình tới thăm các gia đình (home visiting) có con nhỏ từ 0 đến 5 tuổi. Chương trình này triển khai lần đầu tiên ở tiểu bang Missouri năm 1981 và sau hơn 30 năm, PAT đã trở thành chương trình cấp liên bang và quốc tế, hoạt động ở 50 tiểu bang của nước Mỹ và 5 quốc gia khác.
Với phương châm bố mẹ là những người thầy của con, chương trình cung cấp cho bố mẹ các kiến thức căn bản và khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ để bố mẹ có thể áp dụng và giúp trẻ phát triển các kỹ năng, đặc biệt là hai kỹ năng đọc và viết.
PAT là chương trình hoàn toàn miễn phí và tự nguyện. Các gia đình có thể đăng ký từ giai đoạn mang thai cho tới khi trẻ được 5 tuổi.
Ngoài gặp gỡ với tư vấn viên của PAT hằng tháng, các bố mẹ cũng có thể tham gia các lớp học theo chủ đề, hoặc đăng ký mượn đồ chơi và sách tại thư viện của chương trình. Ngân sách hoạt động của PAT đến từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là từ quỹ phát triển giáo dục của bang và liên bang, ngoài ra là từ các tổ chức của địa phương và cá nhân…
Để các bạn hình dung rõ hơn PAT hoạt động thế nào, tôi chia sẻ câu chuyện của gia đình tôi với cô Kristin.
Mỗi tháng một lần, Kristin sẽ đến thăm gia đình tôi để trao đổi về việc chăm sóc bé Anna. Lần gặp đầu tiên khi Anna được 2 tuần tuổi. Kristin hỏi thăm về quá trình sinh em bé của tôi và hỏi xem hai tuần vừa qua tôi có gặp khó khăn gì không, có bị trầm cảm sau sinh không. Cô cũng tỏ ra rất vui khi biết mẹ đẻ của tôi từ Việt Nam qua giúp và cũng không ngại chia sẻ về quá trình sinh hai đứa con trai của cô.
Sau phần hỏi thăm, Kristin giới thiệu cho tôi một số tài liệu liên quan tới việc chăm sóc trẻ sơ sinh, một số lớp học chăm sóc trẻ mà PAT cung cấp trong các tháng tới.
Tôi hỏi Kristin một số thắc mắc về việc chăm sóc bé và cô rất nhiệt tình giải đáp. Cô nhắc tôi tập cho bé nằm sấp để sớm cứng cổ, hay bế đứng bé lên và vỗ vào lưng cho bé ợ sau khi ăn. Những động tác này khiến mẹ tôi ngạc nhiên vì bà chưa thấy mọi người ở nhà áp dụng bao giờ. Kristin cũng dặn là lúc này thị giác của bé còn rất kém, chỉ nhìn trong khoảng cách 30 cm và nhìn rõ nhất hai màu trắng đen. Cô đưa một cái hình mặt cười dán vào cái đĩa giấy với một cái tay cầm như cái quạt nan, bảo trong giờ chơi của bé thì cầm cái quạt này đưa từ trái sang phải rồi phải qua trái để xem mắt bé có nhìn theo không. Đây là một bài tập căn bản để theo dõi thị lực của trẻ.
Đến lần gặp thứ hai, khi Anna đã được 1 tháng rưỡi. Kristin tiếp tục cung cấp các thông tin cần thiết cho mẹ trong giai đoạn này. Vẫn tiếp tục trò chơi hình đen trắng, cộng thêm việc kích thích thính giác bằng cách đặt vào chân bé 1 cái hộp rỗng, bên trong cho một số thứ nho nhỏ như hạt đậu khô, đồ chơi bằng nhựa để mỗi khi bé đạp vào gây ra tiếng động. Điều này kích thích não bộ của trẻ hoạt động nhiều hơn do phải gắn kết hai luồng thông tin “đạp chân” và “tiếng động”. Kristin không quên hỏi xem tôi có gặp vấn đề gì không và cung cấp thông tin để giúp tôi tìm câu trả lời.
Mặc dù tôi biết khá nhiều thông tin về việc chăm sóc trẻ qua tìm hiểu trên mạng và sách báo, việc gặp Kristin đã giúp tôi củng cố các thông tin này và tự tin hơn trong việc nuôi con, áp dụng các trò chơi có ích cho con.
Kristin cũng giống như một người chị, một người bạn có kinh nghiệm mà các bà mẹ có thể tin cậy. Cô không ngại cho tôi số điện thoại di động để có thể nhắn tin, gọi điện bất cứ lúc nào nếu cần. Điều này khá là đặc biệt vì đa phần người Mỹ rất rạch ròi giữa công việc và cá nhân, họ chỉ cung cấp số di động cho những người thân quen mà thôi. Có lẽ là Kristin không cho rằng công việc cô đang làm là một thứ “business” (công việc kinh doanh). Những người mà cô tới thăm đều là những người bạn của cô và điều cô mong muốn là giúp được họ càng nhiều càng tốt, tất nhiên là trong phạm vi mà PAT cho phép.
My life clinic
My life clinic (MLC) là một tổ chức địa phương chuyên về tư vấn sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các trường hợp nạo phá thai. Đối tượng mà MLC nhắm tới là các cô gái trẻ, bà mẹ đơn thân, và các gia đình thu nhập thấp. MLC cũng giúp các cô gái không may lỡ làng có ý định cho con nuôi tìm được người nhận con nuôi phù hợp. Các bà mẹ thì có thể tới tham gia các lớp học về sinh sản, chăm sóc trẻ, gặp gỡ tư vấn viên hằng tuần hoặc tham gia các buổi gặp mặt dành cho các bà mẹ với nhau.
Phiếu mua hàng 1 USD, khi tham gia lớp học, tôi vừa được học kiến thức, vừa có quà mang về – Ảnh do tác giả cung cấp
MLC có một sáng kiến rất hay là bất kỳ ai tham gia các lớp học hoặc các buổi tư vấn đều được tặng voucher – phiếu mua hàng. Mỗi voucher có giá trị tương đương 1 USD. Mọi người có thể dùng voucher này để mua hàng trong cửa hàng nằm ngay trong văn phòng của MLC. Cửa hàng nhỏ này cung cấp bỉm (đóng thành từng gói nhỏ), giấy ướt, quần áo cũ nhưng còn tốt cho các lứa tuổi khác nhau, khăn, bình sữa, thậm chí cả nôi, xe đẩy… với cái giá tượng trưng rất rẻ, chỉ trong tầm 50 cents và 1 USD (khoảng 10-20.000 đồng).
Khi tôi tới tham gia nhóm các bà mẹ liền được tặng 4 voucher. Với 4 voucher này, tôi có thể mua được vài gói bỉm, vài hộp khăn ướt hoặc vài bộ quần áo cho con. Dù không nhiều nhưng đối với các gia đình thu nhập hạn hẹp, vừa đi học vừa nuôi con như tôi thì chừng ấy thôi cũng đáng quý lắm rồi. Cái này gọi một công được hai việc, vừa được học hỏi lại vừa có “quà” mang về. Tôi nghĩ là đối với các bà mẹ đơn thân hay các gia đình thu nhập thấp thì MLC là một địa chỉ rất tốt để lui tới.
The Imagination Library
Đây là một chương trình tặng sách rất nổi tiếng của nữ danh ca người Mỹ Dolly Parton. Mục đích của chương trình là khơi gợi niềm say mê đọc sách của trẻ. Chương trình này ban đầu chỉ thực hiện ở tiểu bang Tennessee quê hương của bà và thành công đến nỗi chỉ sau 4 năm bà đã quyết định mở rộng chương trình này trên toàn nước Mỹ. Mỗi em khi đăng ký chương trình này sẽ được tặng 1 cuốn sách mỗi tháng cho đến khi 5 tuổi. Trung bình mỗi năm chương trình tặng khoảng 40 triệu cuốn sách cho gần 700 nghìn trẻ em ở Mỹ, Canada và Anh. Kết quả cho thấy The Imagination Library đã giúp các bé tăng khả năng biết đọc một cách rõ rệt.
Mỗi bé sẽ nhận được 1 cuốn sách/tháng cho đến khi 5 tuổi, các sách đều được chọn lựa phù hợp với lứa tuổi – Ảnh do tác giả cung cấp
Các cuốn sách mà chương trình gửi tới cũng được chọn lọc kỹ càng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Ví dụ trong năm đầu tiên thì sách sẽ là những cuốn có màu sắc tươi sáng, chữ to, dễ sử dụng, ít chữ hoặc có nhạc. Đến năm thứ 5 thì sẽ là những cuốn sách giúp các em chuẩn bị cho việc học đọc khi vào lớp 1, những cuốn truyện cổ tích, những bài thơ hay truyện khoa học…
Cuốn sách đầu tiên mà bé nhà tôi nhận được là một cuốn board book có tên là Baby sounds. Cuốn sách chỉ có 10 trang, nói về các âm thanh hằng ngày mà bé nghe được như là tiếng mèo kêu meo meo, tiếng chó sủa gâu gâu, tiếng vịt kêu quác quác… rất đơn giản và dễ thương.
Gợi ý cho các tổ chức ở Việt Nam
Ba tổ chức mà tôi giới thiệu ở trên đại diện cho hàng chục, hàng trăm các tổ chức tương tự trên toàn nước Mỹ ở cả ba mức độ: cấp nhà nước (liên bang), cấp địa phương và cá nhân. Các tổ chức này không hoạt động một cách rời rạc mà thường hợp tác với nhau để đem đến những dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng.
Một điều cần phải nhấn mạnh là các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các tổ chức tôn giáo như hội thánh và cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc khỏa lấp các lỗ hổng mà các chương trình hỗ trợ của liên bang không đáp ứng được.
Ở Việt Nam hiện nay chúng ta còn rất thiếu các tổ chức tương tự như vậy, nếu có thì phạm vi hoạt động cũng hạn chế và không phải ai cũng có thể tiếp cận. Có lẽ vì thiếu sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nên việc chăm sóc một đứa trẻ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình với các kinh nghiệm dân gian, truyền miệng là chính.
Các ông bố bà mẹ trẻ đôi khi thiếu những nguồn thông tin tư vấn đáng tin cậy để có những quyết định đúng đắn trong việc nuôi dạy con một cách khoa học.
Tôi nghĩ rằng các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam hoàn toàn có thể học tập một số mô hình hiệu quả như trên và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh ở địa phương mình. Ví dụ có một tổ chức nào đó chuyên nhận quần áo trẻ em từ các gia đình và chuyển các quần áo này tới những gia đình khó khăn có con nhỏ. Thay vì cho không chúng ta có thể học tập MLC bằng cách treo bán nhưng với giá rất rẻ. Điều này vừa tránh việc lạm dụng việc tặng đồ miễn phí vừa đảm bảo sự công bằng.
Hoặc các hội phụ nữ, các nhóm bà mẹ có con nhỏ có thể tự thành lập một tổ chức tương tự như PAT đến thăm các gia đình có con, nhất là con đầu lòng. Vừa trao đổi kinh nghiệm vừa hỗ trợ nhau về mặt tinh thần…
Nguồn: thanhnien.vn/Hoàng Khánh Hòa