Du học Mỹ sẽ tốn kém nhiều thứ nhưng vẫn có một số cách để bạn tiết kiệm chi tiêu. Những mẹo tiết kiệm do Đông Sơn liệt kê dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn có thể bảo vệ “hầu bao” của mình trong quá trình du học Mỹ.
Chọn du học tại một thành phố không đắt đỏ
Nước Mỹ sở hữu nhiều thành phố với các mức sống khác nhau nên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn nơi phù hợp với mình. Nếu ngay từ đầu bạn định hướng chọn học tập tại nơi có mức sống phải chăng thì đã có thể tiết kiệm được một khoản tiền trước cả khi chương trình học của bạn thật sự bắt đầu.
Tương tự như những quốc gia khác, thành phố nào tại Mỹ có mật độ dân cư cao và phát triển hơn thì sẽ có mức sinh hoạt phí đắt đỏ hơn. Nhưng như vậy không có nghĩa các thành phố thưa dân khác sẽ có nhiều bất cập vì nước Mỹ vốn là quốc gia phát triển nhất thế giới nên nhìn chung nơi nào tại đây cũng đạt đến mức độ tiện nghi nhất định nhằm phục vụ đời sống của người dân.
Bạn nên lưu ý thêm một số bang ở Mỹ có chính sách chỉ đánh thuế vào thu nhập của người dân trong khi một số bang khác lại tính thuế trực tiếp vào sản phẩm được bày bán. Nếu bạn chọn du học tại bang không đánh thuế vào sản phẩm thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ mỗi khi đi mua sắm. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn thành phố du học phù hợp thì đừng ngần ngại liên hệ với USIS Education để được tư vấn giúp đỡ.
Đặt ra mục tiêu tiết kiệm
Để có động lực trong việc nghiêm túc tiết kiệm thì bạn nên tự đặt ra mục tiêu chính đáng cho mình. Đó có thể vì bạn muốn mua vé tham dự buổi hòa nhạc của ca sĩ yêu thích tại Mỹ hoặc chuẩn bị kinh phí cho chuyến đi “phượt” vòng quanh Hoa Kỳ vào kì nghỉ hè sắp tới. Đơn giản hơn là bạn có thể tiết kiệm chỉ để dễ bề xoay sở khi có trường hợp bất trắc xảy ra.
Bạn chọn mục tiêu nào cũng được nhưng nó phải đủ lớn và có ý nghĩa nhất định để kiểm soát được thói quen chi tiêu của bạn. Để tự nhắc mình mỗi ngày về mục tiêu tiết kiệm bạn có thể ghi chúng ra và dán lên bàn học hoặc bất kỳ chỗ nào bạn thường lia mắt tới trong nhà.
Mở một tài khoản tiết kiệm
Ngoài tài khoản thanh toán chắc chắn bạn phải có trong quá trình du học Mỹ thì bạn còn nên tạo thêm cho mình một tài khoản tiết kiệm. Để bảo vệ khoản tiền dành dụm hiệu quả nhất, bạn nên trích một phần nguồn thu nhập mỗi tháng của mình để cho vào tài khoản tiết kiệm thay vì để tiền mặt trong “ống heo” tại nhà. Số tiền được trữ trong tài khoản tiết kiệm sẽ được bảo toàn vì bạn không thể dùng chúng để thanh toán như thông thường. Chưa kể hình thức trữ tiền trong tài khoản tiết kiệm còn đem về cho bạn một khoản lời nho nhỏ hàng tháng.
Để mở tài khoản tiết kiệm tại Mỹ bạn cần trình cho ngân hàng một số giấy tờ và thông tin cơ bản như hộ chiếu, hóa đơn thanh toán tiền điện, địa chỉ trường đại học,… Mỗi ngân hàng sẽ có yêu cầu về giấy tờ khác nhau nên bạn cần hỏi kỹ thông tin. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo nhiều ngân hàng trước khi quyết định dùng dịch vụ của một nơi nhất định.
Hạn chế số lần rút tiền
Nếu ngân hàng tại Mỹ bạn chọn có chính sách tính phí mỗi lần rút tiền thì bạn nên cân nhắc đừng nên rút quá nhiều lần trong tháng. Thay vào đó bạn hãy rút số tiền nhiều hơn cho mỗi lần để tiết kiệm chi phí.
Phí rút tiền tại Mỹ thường rơi vào khoảng $5 đến $10/ lần (khoảng 100 đến 200 ngàn đồng/ lần) nên nếu cộng dồn phí giao dịch các lần rút lại với nhau thì cũng được số tiền kha khá. Nếu có thể, bạn nên tìm hiểu thêm về các loại ngân hàng khác và chọn nơi không tính phí rút tiền để mở tài khoản.
Mua sách giáo khoa cũ
Sách là vật dụng không thể thiếu trong khi du học Mỹ nhưng sự thật không mấy dễ chịu là sách giáo khoa ở Mỹ không hề rẻ. Bạn không thể sử dụng sách photo như lúc còn ở Việt Nam vì đó là hành động vi phạm bản quyền không được chấp nhận ở Mỹ. Để tiết kiệm tiền mua sách giáo khoa trong những năm du học của mình bạn có thể tìm mua sách đã qua sử dụng (second-hand) tại các nhà sách trong khu vực. Nội dung của sách vẫn như vậy và bạn dùng chỉ trong một năm nên không nhất thiết phải mua phiên bản hoàn toàn mới.
Ngoài ra bạn nên cố gắng làm quen và kết bạn với những anh chị khóa trên học cùng ngành để hỏi về những quyển sách thật sự cần thiết trong khóa học. Nếu bạn mua sách không có định hướng thì rất dễ rơi vào trường hợp không sử dụng một số quyển sách đã mua. Bên cạnh đó bạn cũng có thể thử hỏi mua lại sách cũ của những anh chị khóa trước nếu không thể tìm mua ở nhà sách. Sách giáo khoa cũ còn có thể là chủ đề khá thú vị để bạn bắt chuyện với những người bạn mới trong thời gian đầu ở Mỹ.
Luôn mang theo thẻ sinh viên bên mình
Kể từ lúc bạn nhận được thẻ sinh viên của trường thì USIS Education khuyên bạn nên mang theo nó mọi lúc mọi nơi. Hầu hết các tụ điểm vui chơi và mua sắm trong khu vực như rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng đều có chương trình giảm giá cho sinh viên và bạn chỉ cần trình ra thẻ sinh viên của mình để nhận được ưu đãi.
Thẻ sinh viên của bạn chỉ được áp dụng tại Mỹ nhưng còn có một loại thẻ sinh viên đặc biệt khác tên là International Student Identity Card (ISIC) được công nhận trên toàn thế giới. Thẻ sinh viên này được cấp và công nhận bởi tổ chức UNESCO và đã có mặt ở hơn 130 quốc gia. Sở hữu thẻ sinh viên này sẽ giúp bạn được tham gia hơn 150,000 chương trình giảm giá đa dạng ở trong và cả ngoài phạm vi nước Mỹ. Bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ online để được cấp thẻ này.
Mua bảo hiểm sức khỏe
Mua bảo hiểm sức khỏe là khoản đầu tư thông minh sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu bạn gặp phải các vấn đề về sức khỏe cần phải điều trị tốn kém trong lúc du học. Để hiểu thêm về vấn đề bảo hiểm sức khỏe, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Mua bảo hiểm sức khỏe khi du học Mỹ: những điều bạn cần lưu ý ” của USIS Education. Tuy nhiên cách tốt nhất để bạn tiết kiệm ngay cả khi đã có bảo hiểm sức khỏe là cố gắng tự chăm sóc bản thân thật tốt để không phải đổ bệnh.
Nguồn: Student, The Study Abroad Blog, Currency Fair