Giáo dục Đức được coi là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, tập trung vào chất lượng đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu. Điểm đặc biệt nhất của Đức là Chính phủ tập trung, chú trọng đặc biệt tới giáo dục và tài trợ 100% học phí cho học sinh – sinh viên ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả với sinh viên quốc tế. Bởi vậy, khi du học Đức, các bạn sinh viên học tập tại trường công lập sẽ được miễn phí toàn bộ học phí trong suốt quá trình học của mình.
1/ Tiểu học
Kéo dài 4 – 6 năm (học sinh từ 6 – 12 tuổi
Bậc Tiểu học tại Đức thường kéo dài 4 năm, tuy nhiên bang Berlin và Brandenburg đào tạo 6 năm; trong đó lớp 5 – lớp 6 sẽ đào tạo chương trình nền tảng định hướng cho học sinh. Chương trình học Tiểu học tại đây bao gồm các môn Tiếng Đức, Toán, Ngoại ngữ, Môn học Sự vật, Nghệ thuật, Âm nhạc và Thể thao. Kết thúc bậc Tiểu học thì học sinh sẽ nhận được văn bản khuyến nghị của trường về hướng học lên theo các loại hình trường phổ thông ở bậc tiếp theo dựa trên thành tích học tập thực tế.
2/ Trung học
Chương trình Trung học tại Đức được phân theo các loại hình trường học với mức độ học thuật khác nhau:
- Trường Cơ bản (Hauptschule): là loại trường trung học ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho chương trình dạy nghề, kéo dài đến hết lớp 9 hoặc lớp 10. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ học lên các trường dạy nghề (Berufsschule)
- Trường Thực hành (Realschule): có phạm vi học thuật rộng hơn, cho học sinh có khả năng cao hơn so với trường Cơ bản, bắt đầu từ lớp 5 – 6 tùy theo bang tới lớp 10 – 11. Sau khi tốt nghiệp Realschule, học sinh sẽ có nền tảng cho việc học tất cả các nghề hoặc chuyển lên học tại các trường Trung học Chuyên nghiệp (Fachoberschule).
- Trường Khoa học (Gymnasium): dành cho các học sinh có khả năng học tập tốt, đào tạo từ lớp 5 hoặc lớp 7 tới lớp 12. Mỗi trường Gymnasium sẽ có trọng tâm đào tạo khác nhau như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ hay nghệ thuật/ thể thao. Sau khi tốt nghiệp chương trình Gymnasium, sinh viên sẽ có đủ điều kiện để vào học Đại học tại Đức.
- Trường Tích hợp (Gesamtschule): là trường đào tạo các loại chương trình học khác nhau như chương trình tiền Đại học cho học sinh ưu tú, chương trình Phổ thông học học sinh khá hay chương trình đơn giản cho học sinh trung bình.
- Trường Trung học Chuyên nghiệp (Fachoberschule): là trường tiếp nhận học sinh có bằng Realschule hoặc tương đương, đào tạo chương tình tương tự khóa Dự bị Đại học trong vòng ít nhất 1 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể học lên các trường Đại học Chuyên ngành (Fachhochschule) hoặc trường dạy nghề (Fachschule)
3/ Đào tạo nghề.
Kéo dài 1 – 3 năm
Chương trình đào tạo nghề tại Đức diễn ra trong vòng 1 – 3 năm tùy theo từng trường và từng bằng cấp, khóa học. Chương trình này cung cấp cho sinh viên chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục văn hóa phổ thông gắn với đòi hỏi của từng ngành nghề chuyên môn và thị trường việc làm. Các trường thường sẽ phân làm 2 trình độ đào tạo: cơ bản và chuyên môn.
4/ Đại học
Kéo dài 4 – 6 năm (tùy theo ngành học)
Chương trình Đại học tại Đức được đào tạo trong 2 loại trường:
- Đại học Tổng hợp (Universitat): bao gồm các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật và Đại học Kỹ thuật; đào tạo hầu hết các ngành và thiên về lý thuyết nghiên cứu. Chương trình đào tạo của các trường Đại học Tổng hợp thường kéo dài 4 – 6 năm và chỉ nhận học sinh tốt nghiệp chương trình Gymnasium hoặc trình độ tương đương.
- Đại học Khoa học Ứng dụng (Fachhochschule): đào tạo chủ yếu các ngành Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế – Quản trị, Xã hội và Tạo mẫu – Thiết kế. Chương trình học tại trường Khoa học Ứng dụng thường kéo dài 4 năm (trong đó có 0.5 – 1 năm thực tập), chú trọng tới tính thực tế và ứng dụng cao hơn.
Sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp THPT để tham gia học tập bậc Đại học tại Đức thường phải tham gia học 1 năm Dự bị Đại học; chỉ riêng sinh viên đã tốt nghiệp Cao đẳng hoặc hoàn thành 1 năm Đại học chính quy mới có thể vào thẳng năm nhất Đại học tại Đức với cùng nhóm ngành học tại Việt Nam.
Để xin học khóa Dự bị Đại học tại Đức, các bạn học sinh sẽ cần đáp ứng được những điều kiện sau:
- Tham gia kì thi THPT Quốc gia tại một cụm thi do một trường Đại học chủ trì với các môn thi: Văn, Toán, Ngoại ngữ, và một môn tự chọn phù hợp.
- Đạt tổng điểm tối thiểu là 24 điểm (tính trên 4 môn thi, không nhân hệ số, không cộng điểm khuyến khích và không môn nào dưới 4 điểm) trong kì thi THPT Quốc gia.
- Trung tuyển vào hệ Đào tạo Đại học Chính quy tại một trường Đại học Việt Nam được công nhận.
- Đáp ứng yêu cầu về tiếng Đức (chứng chỉ tiếng Đức B1-C1)
- Có thể phải qua một kì kiểm tra chuyên môn hay vấn đáp để xét năng lực học tập thực sự của sinh viên.
Các trường Công lập tại Đức hiện tại miễn phí 100% học phí cho cả sinh viên quốc tế, tuy nhiên chỉ cho khóa Cử nhân đầu tiên. Nếu sinh viên học văn bằng 2 hoặc học Thạc sĩ, các trường sẽ có chính sách riêng áp dụng theo từng khóa học.
5/ Thạc sĩ
Kéo dài 2 – 3 năm
Tương tự như bậc Đại học, chương trình Thạc sĩ tại Đức của được đào tạo tại 2 loại hình trường Đại học; trong đó tại trường Đại học Tổng hợp, sinh viên sẽ thiên về nghiên cứu chuyên sâu và làm luận văn nghiên cứu, còn tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng, chương trính sẽ tập trung vào việc chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học thành các giải pháp ứng dụng trong cuộc sống.
Để có thể xin học Cao học tại Đức, các bạn sinh viên sẽ cần đáp ứng những yêu cầu như: tốt nghiệp Đại học chuyên ngành liên quan, xếp loại/điểm GPA bậc Đại học, Kinh nghiệm thực tế, Chứng chỉ ngoại ngữ,… Những yêu cầu cụ thể ra sao sẽ phụ thuộc vào từng khóa và từng trường đào tạo; và việc thỏa mãn các yêu cầu không có nghĩa sinh viên sẽ được học thẳng vào khóa Cao học. Trong nhiều trường hợp, các bạn sẽ cần học bổ sung kiến thức, dự bị Thạc sĩ hay những hình thức khác.
6/ Tiến sĩ
Kéo dài 4 – 6 năm
Thông thường, khóa Tiến sĩ tại Đức kéo dài 4 năm và được đào tạo trong các trường Đại học Tổng hợp. Do chú trọng vào chất lượng nên chương trình học Tiến sĩ tại quốc gia này được đánh giá là khó hơn so với các nước khác; đồng thời đòi hỏi việc nghiên cứu thực sự chuyên sâu.