Giáo dục là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Canada. Canada là quốc gia đầu tư nhiều cho giáo dục (tính bình quân đầu người) so với các nước trong tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) và cao nhất trong khối các nước G8.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC CỦA CANADA
Hệ thống giáo dục Canada gồm có trường công lập và trường tư thục từ mẫu giáo cho đến đại học. Giáo dục thuộc trách nhiệm của tỉnh theo hiến pháp, có nghĩa là có sự khác biệt giữa hệ thống của các tỉnh khác nhau. Một điều đặc biệt trong hệ thống giáo dục của Canada là quy định khác biệt về độ tuổi ở các cấp họ giữa các bang khác nhau. Tuy nhiên, tiêu chuẩn khắp đất nước đều được đánh giá một cách đồng bộ.
Chính phủ cho phép chính quyền địa phương trực tiếp quản lý về chất lượng, chương trình giảng dạy cũng như thiết lập hệ thống giáo dục cơ sở. Chính quyền địa phương cũng được quản lý việc đăng ký và cấp phép cho các cơ sở đào tạo cũng như chương trình giảng dạy để đảm bảo tính hệ thống và sự đồng nhất trên toàn quốc.
Cơ quan lập pháp của mỗi địa phương được phát triển hệ thống và cơ chế giáo dục riêng dựa trên nền giáo dục chủ đạo của quốc gia để phát triển những nét tương đồng và khác biệt. Trách nhiệm pháp lý về giáo dục của mỗi địa phương sẽ được một số cơ quan thuộc các bộ có liên quan đến giáo dục thông qua. Thêm vào đó, một loạt chính sách về phát triển sự nghiệp giáo dục cũng được quyết định như việc thành lập các trường tư thục, các trung tâm đào tạo, các chương trình, hệ thống giảng dạy…
Mỗi địa phương có từ một đến hai cơ quan chuyên trách về giáo dục. Không có một bộ hay cơ quan ngang bộ nào chuyên trách về giáo dục trên toàn liên bang nhưng có một diễn đàn mà ở đó những người đứng đầu các cơ quan phụ trách giáo dục thảo luận, trao đổi các vấn đề chung liên quan, khai thác các hướng hợp tác, chia sẻ thông tin cũng như phối hợp các hoạt động giáo dục và giao lưu quốc tế.
Trong nhiều gia đình Canada, cả bố và mẹ đều đi làm thì trẻ em lớn lên dưới sự chăm sóc của người khác chứ không phải của cha mẹ mình. Người chăm sóc trẻ có thể là một bà mẹ khác nhận trông thêm vài đứa trẻ tại nhà, các cô giáo ở trung tâm hay bảo mẫu.
Phần lớn trẻ em bắt đầu đi học ở lứa tuổi 5 hay 6. Theo luật pháp Canada, trẻ từ 6 đến 16 phải đi học, thường bắt đầu từ trường mẫu giáo và kết thúc ở lớp 11 hoặc 12. Nói chung, bậc tiểu học từ mẫu giáo tới lớp 6, trung học phổ thông từ lớp 7 đến lớp 8 hoặc 9, trung học từ lớp 9 hoặc lớp 10 cho đến lớp 11 hoặc 12.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC BẬC TRUNG HỌC
Giáo dục trung học bắt đầu khi kết thúc quá trình học tập năm lớp 6 và bắt đầu từ lớp 7. Tại Canada chính quyền các tỉnh bang chịu trách nhiệm về chính sách giáo dục trung học trong địa phương mình và mọi trường trung học phải thỏa mãn các tiêu chí, quy định khắt khe về phương pháp giáo dục của chính quyền các tỉnh bang thuộc Canada đề ra nhằm đảm bảo một nền giáo dục chất lượng cao. Tại đây, ngoài chất lượng giảng dạy tối ưu, phần lớn các trường trung học ở Canada còn có các chế độ hỗ trợ cho du học sinh như hỗ trợ về học thuật, hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ học sinh khuyết tật, hoạt động cộng đồng và các hoạt động ngoại khóa khác. Nếu có nhu cầu đến với Canada để học tập ở bậc trung học, du học sinh có hai lựa chọn đó là trường trung học công lập và tư thục.
- Trung học Công lập
Trường trung học công lập được quản lý trực tiếp bởi chính phủ của tỉnh bang và được tài trợ từ ngân sách nhà nước. Chương trình học do chính quyền tỉnh bang chịu trách nhiệm. Các trường công lập có chương trình homestay (ăn ở với người bản xứ) cho du học sinh quốc tế. Mức học phí và chi phí homestay khoảng từ CAD$21.000 – $26.000 tùy vào từng trường. Có hai hệ thống trường công lập danh tiếng tại Toronto và Vancouver dành cho học sinh quốc tế muốn lấy bằng tú tài tại đây, là Toronto District School Board và Vancouver School Board.
- Trung học Tư thục
Các trường trung học tư thục ở Canada chủ yếu hoạt động từ nguồn học phí và được đầu tư bởi cá nhân hay tổ chức độc lập. Các lớp học thường ít học sinh hơn và có sự chủ động hơn về chương trình học, tuy nhiên chất lượng và giáo trình vẫn phải được phê duyệt bởi chính quyền các tỉnh bang. Đối với học sinh quốc tế, có thể chọn ở trong kí túc xá tại trường hoạc ở homestay. Đa số các trường tư có những hỗ trợ về tài chính (học bổng, vay) cho những trường hợp thật sự cần thiết. Mức học phí và chi phí kí túc xá vào khoảng CAD$ 24.000 – 27.000/năm tùy vào trường. Cả hai hệ thống trường công lập và tư thục đều có các khóa học ngôn ngữ (tiếng Anh – tiếng Pháp) để hỗ trợ cho sinh viên quốc tế.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC BẬC ĐẠI HỌC
Khi kết thúc lớp 11, 12 hay 13 tùy theo từng tỉnh, học sinh có thể theo học đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng dạy nghề. Riêng tỉnh Quebec có thêm hệ thống CEGEP – là chữ viết tắt theo tiếng Pháp của Cao đẳng Phổ thông Dạy nghề và là hai năm phổ thông hoặc ba năm giáo dục kỹ thuật giữa bậc trung học và đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên có thể đăng ký các chương trình sau đại học gồm chương trình thạc sĩ từ một đến hai năm, chương trình tiến sĩ từ ba đến năm năm. Trường đại học Toronto, đại học British Columbia và đại học McGill ở Montreal là ba trong số các trường nổi tiếng của Canada được quốc tế công nhận.
Canada có trên 95 trường đại học nổi tiếng thế giới về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Vì thế, bằng cấp của Canada được công nhận trên khắp thế giới.
Các trường đại học Canada được nhà nước tài trợ trên quy mô lớn và đều có chất lượng cao, không phân biệt đại điểm hay ngành học, số lượng sinh viên học toàn thời gian tại mỗi trường từ 1.000 cho đến trên 35.000. Các trường này có nhiều loại hình đào tạo và cấp đủ loại văn bằng từ cử nhân, kỹ sư cho đến tiến sĩ, kể cả chứng chỉ và diploma chuyên môn.
Học phí tùy thuộc vào mỗi tỉnh, mỗi trường và mỗi chương trình học. Năm học ở đại học thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 5. Một số trường theo hệ thống 2 hoặc 3 học kỳ kể cả mùa hè. Ở Canada không có thi tuyển sinh đại học chung mà chỉ xét tuyển. Mỗi trường đề ra tiêu chuẩn nhập học riêng và xét hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể.
Canada cũng có chính sách tặng học bổng, giài thưởng hay cho sinh viên vay tiền để học, nhưng chủ yếu dành cho sinh viên Canada hay thường trú nhân. Các khoản hỗ trợ này hiếm khi đủ để trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh viên thường vẫn phải đi làm thêm để bù đắp chi phí sinh hoạt. Học bổng dành cho học sinh quốc tế cũng có tại một số trường Canada, phần lớn là các trường đại học dành cho những học sinh có học lực xuất sắc. Nhiều tổ chức của Canada cũng trao tặng học bổng cho du học sinh, nghiên cứu sinh quốc tế nhưng những học bổng này thường dành cho các sinh viên sau đại học và các vị giáo sư đang học tập hoặc nghiên cứu đề tài đặc biệt.
Trong vài năm gần đây, một số trường đại học Canada cũng có học bổng dành cho sinh viên Việt Nam theo học trong năm đầu tiên. Học bổng Canada cũng được cấp thông qua một số hiệp định song phương giữa Canada, tỉnh Quebec, tổ chức Pháp ngữ và chính phủ Việt Nam. Du học sinh có thể tìm hiểu bằng cách liên hệ với Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Đại Sứ Quán, Lãnh Sự Quán Canada tại Việt Nam.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC BẬC CAO ĐẲNG
Có 175 cơ sở giáo dục sau trung học là thành viên của Hiệp Hội Các Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Canada (ACCC). Các trường cao đẳng này được biết đến qua một loạt danh hiệu như: cao đẳng cộng đồng, học viện kỹ thuật, cao đẳng đại học và CEGEP. Tất cả các cơ sở giáo dục này là đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh doanh, công nghiệp, dịch vụ công cộng và đáp ứng nhu cầu học tập của các học sinh tốt nghiệp phổ thông có định hướng nghề nghiệp, các sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm việc làm cũng như yêu cầu học tập thường xuyên của người lớn tuổi.
Trong thực tế có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học theo học cao đẳng để hoàn thành kỹ năng chuyên môn của mình. Nhìn chung, các trường cao đẳng có giáo trình giảng dạy chuyên sâu về nghề nghiệp nhiều hơn là các đại học, với các lớp học sĩ số nhỏ, có các khóa học thực tập bên ngoài trường, không gian lớp học và phòng lab thông thoáng, cách giảng dạy tác động qua lại và luôn có nhiều cấp độ nhập học khác nhau từ các ngành kỹ thuật cho đến các ngành nghệ thuật sáng tạo.
Các trường cao đẳng là các trung tâm đào tạo xuất sắc về nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, quặng mỏ, môi trường, khách sạn và du lịch. Các chương trình học toàn thời gian và bán thời gian khác bao gồm y tế, kinh doanh, nâng cao trình độ văn hóa, nghệ thuật ứng dụng, dịch vụ xã hội, …Trường cao đẳng là cơ sở giáo dục năng động, thường xuyên thay đổi để đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội của cộng đồng.
HỆ THỐNG TRƯỜNG NGOẠI NGỮ
Canada có hai ngôn ngữ chính thức, có nghĩa là học sinh quốc tế có thể đến Canada để học tập, du học hè bằng tiếng Anh (ESL) hoặc bằng tiếng Pháp như là sinh ngữ hai (FSL). Nhiều người chọn học bằng tiếng Anh ở Canada do có nhiều trường dạy tiếng Anh xuất sắc và do giọng Canada trung hòa dễ nghe. Nhiều năm qua, Canada đã phát triển chuyên môn rất cao trong giảng dạy tiếng Anh do có nhiều dân nhập cư muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh của họ
Học sinh quốc tế có thể theo học tiếng Anh phổ thông, thương mại hoặc cho mục đích riêng. Ngoài ra học sinh cũng có thể được đào tạo để giảng dạy môn tiếng Anh. Nói chung các trường tư thục dạy tiếng Anh đều linh động về học kỳ, chương trình và lịch nhập học theo yêu cầu hơn các trung tâm sinh ngữ của đại học và cao đẳng. Hầu hết các trường dạy tiếng Pháp đều ở tỉnh Quebec. Tương tự như các chương trình dạy tiếng Anh, học sinh có thể theo học chương trình tiếng Pháp vào bất cứ lúc nào. Riêng các du học sinh ghi danh chương trình tiếng Pháp hoặc tiếng Anh trong thời gian 6 tháng trở lại có thể học ở Canada bằng visa du lịch.
Hiện tại, Canada có các trường dạy ngôn ngữ như: Heartland International English School và ILAC – International Language Academy of Canada.