Thành phố cổ Paphos
Paphos nằm phía Tây Nam Cộng hòa Síp và là thủ phủ của quận Paphos. Paphos được chia làm hai địa điểm được gọi là Paphos cổ và Paphos mới.Theo huyền thoại Hy Lạp, Paphos là con của Pymalion và nàng Galatea. Nguyên Pymalion tạc được tượng một mỹ nhân tuyệt trần bằng ngà voi. Tác phẩm quá đẹp đến nỗi Pymalion đâm ra si tình và đau khổ. Thương tình, nữ thần Aphrodite ban quyền sống cho bức tượng và Pymalion có được diễm phúc kết hôn cùng người đẹp do chính mình tác tạo là nàng Galatea. Kết quả sau đó là một đứa con chào đời được đặt tên là Paphos. Để ghi nhận lòng biết ơn của mình đối với nữ thần tình yêu, Paphos cho xây thành phố mang tên mình, riêng tặng nữ thần Aphrodite.
Thành phố được xây bên cạnh nơi Aphrodite đã xuất hiện. Một ngôi đền lớn thờ nữ thần tình yêu cũng được dựng lên. Không may sau đó, một trận động đất lớn đã phá hủy toàn bộ thành phố và ngôi đền. Sau này, Paphos được xây dựng lại, trở thành cố đô của đảo quốc Síp (thời kỳ thuộc vua Ptolemy, Ai Cập và sau đó thuộc đế quốc La Mã).
Ngày nay, đáng chú ý nhất là khu vực các nhà cổ nằm trên dải đất vàng mênh mông sát biển với những nền nhà trang trí bằng mosaic bị chôn vùi vì động đất đã hơn 16 thế kỷ và mới được khai quật gần đây (1965). Tại địa điểm này, người ta tìm thấy một nhà hát cổ (Odeon) có sức chứa cả ngàn người, được xây dựng từ năm thứ 2 sau công nguyên.
Khu mộ vua (Tombs of Kings) là khu nghĩa địa rộng lớn của tầng lớp quyền quý dưới thời đế chế Ai Cập cai trị, thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Các ngôi mộ được đục khắc từ những tảng đá sừng sững với những cột đá hoành tráng.
Các nhà thờ trên dãy núi Troodos
Là dãy núi lớn nhất trên đảo Síp, với đỉnh núi cao nhất là Olympus (1952m). Nơi đây sở hữu rất nhiều tu viện và nhà thờ La Mã như: Stavros tou Ayiasmati, Panayia tou Araka, Timiou Stavrou at Pelendri, Ayios Nikolaos tis Stegis, Panayia Podithou, Assinou, Ayios loannis Lampadistis, Panayia tou Moutoula và Archangel Michael at Pedhoulas.
Vùng Troodos còn được biết đến từ thời xưa vì có các mỏ đồng. Thời đế quốc Byzantine, vùng này là trung tâm lớn của nghệ thuật Byzantine, cũng như các nhà thờ và tu viện được xây dựng trên núi, ở xa vùng bờ biển bị đe dọa.
Di chỉ thời tiền sử Choirokoitia
Choirokoitia là một di chỉ khảo cổ từ thời đại đồ đá mới trên đảo Síp. Di chỉ Choirokoitia được coi là 1 trong các di chỉ từ thời tiền sử quan trọng nhất của vùng Đông Địa Trung Hải, và được bảo tồn tốt. Quan trọng vì đây là bằng chứng rõ ràng về một xã hội được tổ chức theo chức năng dưới hình thức cư ngụ tập thể, có tường lũy bao quanh che chắn bảo vệ chung. Nơi đây đã có người cư ngụ từ thiên niên kỷ 7 tới thiên niên kỷ 4 trước công nguyên.
Làng định cư Choirokoitia nằm ở sườn dốc của một ngọn đồi trong thung lũng sông Maroni ở hướng bờ biển phía Nam đảo Síp và cách biển khoảng 6km. Làng gồm những nhà tròn sát nhau. Phần cấu trúc thấp của các nhà thường là bằng đá và thường được thường xuyên ghép thêm cho dày hơn. Đường kính bên ngoài của nhà là từ 2,3m tới 9,20m, còn đường kính bên trong chỉ từ 1,4m tới 4,8m. Một mái bằng của 1 nhà bị sụp mới được tìm thấy cho thấy không phải mọi mái nhà đều có dạng vòm như người ta tưởng.
Trong nhà được chia ra các gian nhỏ tùy theo mục đích sử dụng như để chứa đồ, để làm việc, để ngủ… Trong nhiều trường hợp, cũng thấy một số nhà có các cột để đỡ tầng trên. Nhiều nhà được dựng tập trung quanh một sân trong.
Làng Choirokoitia đột nhiên bị bỏ hoang trong khoảng 1.500 năm, không rõ lý do, từ khoảng năm 6.000 trước công nguyên, cho tới khi nhóm người Sotira tới định cư.
Cùng với khoảng 20 nơi định cư tương tự khác trải rộng khắp đảo Síp, Choirokoitia tiêu biểu cho văn minh thời đại đồ đá mới, khi loài người chưa biết tạo ra đồ sành.